Các thông tin cần thiết khác để thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo
1. Phạm vi tuyển sinh
Tuyển thí sinh nam, nữ trong phạm vi cả nước (63 tỉnh, thành phố), theo quy định của Bộ GD&ĐT.
2. Quy trình tuyển sinh
Để được tham gia các phương thức tuyển sinh của Học viện, thí sinh cần thực hiện đầy đủ 02 bước: Làm thủ tục sơ tuyển và Đăng ký xét tuyển, chi tiết 2 bước như sau:
Bước 1: Làm thủ tục sơ tuyển. Thí sinh đăng ký sơ tuyển tại Ban chỉ huy Quân sự cấp quận (huyện) nơi thí sinh đăng ký thường trú và được kết luận đủ điều kiện về chính trị, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi...
- Địa điểm làm thủ tục:
+ Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nơi thí sinh đăng ký thường trú (gọi chung là Ban TSQS cấp huyện).
+ Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (gọi chung là Ban TSQS cấp trung đoàn).
- Thời gian làm thủ tục: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, từ ngày 01/4/2025 đến ngày 20/5/2025.
- Thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng, nộp cùng hồ sơ sơ tuyển 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ.
- Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).
Bước 2: Đăng ký xét tuyển.
- Đối với các thí sinh đạt tiêu chí xét tuyển theo các phương thức 1, 2 và 3 cần đăng ký online hoặc trực tiếp. Thời gian đăng ký dự kiến từ ngày 01/6/2025 - 30/6/2025. Học viện sẽ có hướng dẫn chi tiết khi có Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
- Thí sinh đăng ký xét tuyển theo Phương thức 1, Phương thức 2 và Phương thức 3 cần scan, hoặc chụp ảnh hồ sơ đăng ký xét tuyển để cập nhật hồ sơ bằng hình thức online hoặc trực tiếp. Học viện sẽ thu bản gốc khi thí sinh làm thủ tục nhập học
- Tất cả thí sinh cần phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) trên hệ thống tuyển sinh quốc gia vào Học viện KTQS, các nguyện vọng tiếp theo thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo hệ dân sự của Học viện hoặc các trường ngoài Quân đội để được xét tuyển. Thời gian đăng ký thực hiện theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm 2025.
3. Quyền lợi của học sinh, sinh viên
- Học viên vào đào tạo kỹ sư quân sự tại Học viện KTQS được Bộ Quốc phòng phân công ngành học; được bảo đảm mọi điều kiện về quân trang cá nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho học tập; được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ tết theo quy định; thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.
- Đối với Học viên đào tạo chất lượng cao: Học viên được học tập theo chương trình chất lượng cao liên kết giữa Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn và Đại học công nghệ Sysney, Australia (UTS) trên cơ sở công nhận tín chỉ, sau 3 năm học tập tại Học viện sẽ được lựa chọn học tập tại Đại học công nghệ Sysney, Australia (UTS), được Bộ Quốc phòng phân công công tác.
- Đối với Học viên đào tạo nước ngoài: Năm 2025, Học viện tuyển 180 chỉ tiêu đào tạo nước ngoài. Sau 1 năm học tập tại Học viện, học viên sẽ được học tập tại các nước Nga, Pháp, Nhật, Úc, Sec, Trung Quốc… được cơ sở đào tạo cấp bằng, được Bộ Quốc phòng phân công công tác.
- Những học viên có kết quả học tập xếp loại xuất sắc, loại giỏi có cơ hội được nhận Học bổng Lê Quý Đôn và khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
- Học viên khi tốt nghiệp, được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan và phân công công tác trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của các học viện, trường, viện nghiên cứu, các cơ sở công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Viettel…; trở thành cán bộ phụ trách công tác bảo đảm kỹ thuật cho các quân, binh chủng, đơn vị quân đội: Quân chủng Phòng không – Không quân, Hải quân, Tác chiến không gian mạng, Cảnh sát biển… được hưởng lương, các chế độ, tiêu chuẩn nhà công vụ theo quy định.